Nhân ngày Độc lập của Hoa Kỳ 4 tháng 7 năm 2025, tạp chí mạng The Catholic Thing cho đăng tải bài của Đấng Đáng kính Fulton Sheen tựa là “Tuyê ngôn Phụ thuộc”.

Trong thời đại ngày nay khi ai cũng nói về quyền lợi và ít nói về nghĩa vụ, điều quan trọng đối với chúng ta, những người Mỹ, là phải nhớ rằng Tuyên ngôn Độc lập cũng là Tuyên ngôn Phụ thuộc. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định sự phụ thuộc kép: phụ thuộc vào Thiên Chúa và phụ thuộc vào luật pháp bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Chúng ta được quyền tự do ngôn luận do đâu? Chúng ta được quyền tự do lương tâm do đâu? Quyền sở hữu tài sản bắt nguồn từ đâu? Chúng ta có được những quyền và tự do này từ Nhà nước không? Nếu có, Nhà nước có thể tước đoạt chúng. Chúng ta có được chúng từ chính quyền liên bang ở Washington không? Nếu có, chính quyền liên bang có thể tước đoạt chúng.

Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc đến từ đâu? Hãy đọc Tuyên ngôn Độc lập và tìm câu trả lời ở đó: “Chúng tôi cho rằng những chân lý này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng họ được Đấng Tạo hóa ban cho một số Quyền bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Tự do và Quyền mưu cầu Hạnh phúc”.

Hãy chú ý đến những chữ này: Đấng Tạo hóa đã ban cho con người các quyền và tự do; con người có được chúng từ Thiên Chúa! Nói cách khác, chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa, và sự phụ thuộc ban đầu đó là nền tảng cho sự độc lập của chúng ta.

Giả sử chúng ta hiểu sự độc lập là sự độc lập khỏi Thiên Chúa như một số nhà luật học cấp tiến vẫn chủ trương; khi đó các quyền và tự do đến từ Nhà nước, như chủ nghĩa Bolshevik vẫn tuyên bố, hoặc từ những kẻ độc tài, như chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Phát xít vẫn tin tưởng. Nhưng nếu Nhà nước hoặc kẻ độc tài là người tạo ra các quyền, thì Nhà nước hoặc kẻ độc tài có thể tước đoạt các quyền của con người.

Đó là lý do tại sao ở những quốc gia mà Thiên Chúa bị phủ nhận nhiều nhất, con người bị áp bức nhiều nhất, và nơi tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất, con người bị nô dịch nhiều nhất. Chỉ vì chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa nên chúng ta, như những bản vị, mới độc lập đối với ý chí toàn diện của bất cứ con người nào trên trái đất.

Chúng ta đừng nghĩ rằng bằng cách phủ nhận Thiên Chúa, chúng ta sẽ mua được độc lập. Con lắc của chiếc đồng hồ muốn thoát khỏi điểm treo của nó đã thấy rằng khi trở nên độc lập khỏi điểm treo của nó, nó không còn tự do để dao động nữa. Những người Cộng sản, Đức Quốc xã và Phát xít đã phủ nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của sự tự do của họ cuối cùng đã có được sự tự do đáng xấu hổ của các tù nhân Nhà nước.

Nền dân chủ không dựa trên quyền thần thiêng của các vua chúa mà dựa trên quyền thần thiêng của các bản vị. Mỗi người đều có giá trị vì Chúa đã tạo ra họ, không phải vì Nhà nước công nhận họ. Ngày chúng ta áp dụng vào nền dân chủ của mình những ý tưởng đã phổ biến của một số nhà tư pháp Hoa Kỳ rằng quyền và công lý phụ thuộc vào quy ước và tinh thần của thời đại, chúng ta sẽ viết bản án tử hình cho nền độc lập của mình...

Tôi xin nhắc lại, Tuyên ngôn Độc lập là Tuyên ngôn Phụ thuộc. Chúng ta độc lập với những kẻ độc tài vì chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa. Bởi vì chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa, nên tôn giáo có nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ mối quan hệ giữa con người và Đấng Tạo Hóa.

Do đó, tôn giáo và dân chủ không giống nhau. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo không bao giờ nhắc đến tên Thiên Chúa trong các bài phát biểu của họ, nhưng họ thực sự định nghĩa tôn giáo là dân chủ. Một số người theo chủ nghĩa duy báo động đã lên tiếng phản đối sự hợp nhất giữa Giáo hội và Nhà nước khi một đại diện bản thân của tổng thống được cử đến gặp Đức Thánh Cha, nhưng họ không phản đối việc đồng nhất tôn giáo và dân chủ, đây là sự xúc phạm đối với cả tôn giáo lẫn dân chủ.

Nếu tôn giáo là dân chủ, thì chúng ta hãy từ bỏ tôn giáo và trở thành công chức của Nhà nước; nếu dân chủ là tôn giáo, thì chúng ta hãy xóa bỏ dân chủ và vào tu viện. Tôn giáo không phải là dân chủ. Hai thứ này khác nhau như linh hồn và thể xác.

Cờ Hoa Kỳ trên Waldorf của Childe Hassam, 1916 [Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Amon Carter, Fort Worth, TX]


Tôn giáo chủ yếu là để cứu rỗi linh hồn con người, còn dân chủ chủ yếu là để thịnh vượng và lợi ích chung của quốc gia. Thiên Chúa không phải là Caesar, và Caesar không phải là Thiên Chúa. Những người được gọi là lãnh đạo tôn giáo của chúng ta đã quên mất: “Vậy hãy trả cho Caesar những gì của Caesar; và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt 22:21)?

Một khi tôn giáo từ bỏ sứ mệnh cứu rỗi linh hồn của mình như mục đích chính, thì nó trở nên lố bịch như các nhà toán học chuyển sang làm nhà thần học. Có quá nhiều sự thay thế lẫn nhau giữa các nghề nghiệp. Chúng ta nghĩ rằng vì một người là chuyên gia trong một lĩnh vực, thì anh ta là chuyên gia trong tất cả. Vì Einstein biết tính tương đối của không gian và thời gian, nên một số người nghĩ rằng do đó ông nên được coi như người có thẩm quyền về Thiên Chúa. Điều này cũng vô lý như việc một nhà thần học được tham khảo ý kiến như một chuyên gia về không gian và thời gian. Cả hai người đều đang nói về một điều mà không ai trong số họ biết gì cả.

Nên có tiêu chuẩn cho tất cả các nghề nghiệp. Một thợ cắt tóc, để có được giấy phép, phải biết cách cắt tóc; một thợ sửa ống nước phải biết cách luồn ống; một thợ cắt đá phải biết cách đục - theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng trong lĩnh vực tôn giáo, người ta thường cho rằng một con người có thể là một thẩm quyền mà không cần phải theo tôn giáo.

Một điều kiện tối thiểu cần áp dụng cho tất cả những ai nói về tôn giáo là họ phải cầu nguyện. Mục đích chính của tôn giáo không phải là bảo tồn một nền dân chủ giống hệt với nền dân chủ của chúng ta, vì nếu có, thì sẽ không có tôn giáo nào có phương pháp quản lý khác với chúng ta. Nhiệm vụ chính của tôn giáo là Thiên Chúa; đưa con người đến với Thiên Chúa và đưa Thiên Chúa đến với con người.

Việc Tôn giáo phục vụ nền dân chủ là thứ yếu và gián tiếp; nghĩa là, bằng cách tập trung vào việc tâm linh hóa tâm hồn con người, tôn giáo sẽ truyền bá, qua xã hội chính trị, một dịch vụ công lý và từ thiện gia tăng bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Không có điều gì gọi là cứu một mình nền dân chủ. Dân chủ là một nhánh, không phải là gốc rễ. Gốc rễ của nền dân chủ là sự công nhận giá trị của một con người như một tạo vật của Thiên Chúa. Chỉ cứu một mình nền dân chủ cũng giống như cứu hàm răng giả của một người sắp chết đuối. Trước tiên, hãy cứu người đàn ông đó và bạn sẽ cứu được hàm răng của anh ta. Trước tiên, hãy bảo tồn niềm tin vào Thiên Chúa như nguồn gốc của các quyền và tự do và bạn sẽ cứu được nền dân chủ. Nhưng không phải ngược lại.

Đóng góp lớn nhất của tôn giáo cho nền dân chủ là phục vụ một điều gì đó khác. Cũng như một người đàn ông yêu một người đàn bà nhất khi anh ta yêu đức hạnh nhiều hơn, tôn giáo phục vụ nền dân chủ tốt nhất khi nó yêu Thiên Chúa hơn hết thảy: “Vậy trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa à sự công chính của Người, thì Người sẽ cho thêm các ngươi mọi điều đó nữa.” (Mt 6:33)...

Kitô giáo phải đối diện với một cuộc chiến mới; không còn sự khinh miệt tự gọi mình là chủ nghĩa hoài nghi; không còn sự ham mê trá hình dưới dạng học vấn; không còn sự bất công tự gọi mình là tiến bộ – mà là lòng kiêu hãnh mới sẽ giải thoát các chính phủ khỏi những ràng buộc đạo đức của Thiên Chúa và thẩm quyền. Vào giờ phút sắp đến, Giáo hội phải bảo vệ nền dân chủ không những khỏi những kẻ nô dịch nó từ bên ngoài mà còn khỏi những kẻ phản bội nó từ bên trong. Và kẻ thù từ bên trong là kẻ dạy rằng tự do ngôn luận, lệnh bảo vệ nhân thân [habeas corpus], tự do báo chí và tự do học thuật cấu thành nên bản chất của nền dân chủ. Nhưng không phải vậy.

Chúng chỉ đơn thuần là những thứ đi kèm và bảo vệ nền dân chủ. Với một nền tự do độc lập với Thiên Chúa, độc lập với luật đạo đức và độc lập với các quyền bất khả xâm phạm như sự ban tặng của Thánh Linh, nước Mỹ có thể bỏ phiếu để loại mình khỏi nền dân chủ vào ngày mai.

Làm sao chúng ta có thể tiếp tục được tự do nếu chúng ta không giữ các truyền thống, nền tảng và gốc rễ mà trên đó, tự do được xây dựng? Chúng ta không thể gọi linh hồn mình là của riêng mình nếu Thiên Chúa không hiện hữu. Tại sao, chúng ta thậm chí còn không có một linh hồn!

Trong chính nó, dân chủ không có sự đảm bảo cố hữu cho tự do; những sự đảm bảo này đến từ bên ngoài. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng Tuyên bố phụ thuộc vào Thiên Chúa của chúng ta là điều kiện của lời Tuyên bố độc lập khỏi chế độ độc tài.

Những người bảo vệ vĩ đại nhất của nước Mỹ không nhất thiết là những người nói nhiều nhất về tự do và dân chủ; mà chính những người bệnh tật mới là những người nói nhiều nhất về sức khỏe. Vì lý do đó, chúng ta nên bớt nói nhiều về dân chủ và tự do; thay vì đánh giá tôn giáo qua thái độ của nó đối với nền dân chủ, chúng ta nên bắt đầu đánh giá nền dân chủ qua thái độ của nó đối với tôn giáo.

Vì trong một cuộc khủng hoảng như thế này, nước Mỹ sẽ cứu được lá cờ Hoa Kỳ bằng cách dựa trên những lá cờ và ngôi sao khác ngoài những lá cờ và ngôi sao trên lá cờ: tức là những ngôi sao và sạch dọc của Chúa Kitô, nhờ những ngôi sao của Người mà chúng ta được soi sáng và nhờ những sọc của Người mà chúng ta được chữa lành.

trích từ Tuyên bố phụ thuộc (1941)