Hôm Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời.

“Tôi khẳng định rằng thể chế này sẽ tiếp tục tồn tại”, ông nói trong một tuyên bố video được đưa ra tại một cuộc họp tôn giáo lớn ở Dharamshala, Ấn Độ, trước sinh nhật lần thứ 90 của ông vào Chúa Nhật.

Thông báo này được đưa ra sau những đồn đoán xung quanh việc liệu Đạt Lai Lạt Ma hiện tại có phải là người cuối cùng giữ vai trò này hay không - vai trò vẫn là biểu tượng cho bản sắc tâm linh và văn hóa của Tây Tạng.

Ngoài vấn đề tôn giáo, sự kế vị của Đạt Lai Lạt Ma còn có tác động sâu sắc đến tương lai chính trị của khu vực.

Một ngày trước đó, hôm Thứ Tư, 02 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, tuyên bố rằng chỉ có chính quyền nước này mới có thể phê chuẩn Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo đã làm dấy lên nỗi lo ngại trong người Tây Tạng và các nhà quan sát nhân quyền rằng Bắc Kinh có thể tìm cách đưa ứng cử viên của mình lên nắm quyền để củng cố quyền kiểm soát đối với Tây Tạng.

Đạt Lai Lạt Ma đã công khai bác bỏ quyền lực của Trung Quốc trong các vấn đề tâm linh, cảnh báo những người theo ông không nên tin vào bất kỳ sự bổ nhiệm nào do nhà cầm quyền Trung Quốc công bố.

Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ủng hộ lời kêu gọi tự do tôn giáo ở Tây Tạng và ban hành luật bác bỏ quyền của Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm người kế nhiệm Đạt Lai Lạt Ma.

Tuần này, Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu trước hơn 100 nhân vật Phật giáo Tây Tạng hàng đầu tại sự kiện ở Dharamshala, tái khẳng định rằng việc tìm kiếm sự tái sinh của ngài sẽ tuân thủ các nghi lễ tôn giáo đã được thiết lập và được Quỹ Gaden Phodrang của ngài chỉ đạo.

Theo Reuters, trước đây ông đã từng nói: “Sẽ có một khuôn khổ nào đó mà chúng ta có thể thảo luận về việc tiếp tục duy trì thể chế của Đạt Lai Lạt Ma”.

Các nghi lễ này có nguồn gốc từ truyền thống sáu thế kỷ, bao gồm các nhà sư cao cấp tìm kiếm một đứa trẻ được cho là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma trước đó, thường sử dụng các dấu hiệu tâm linh, hình ảnh và các bài kiểm tra nghi lễ.

Đạt Lai Lạt Ma khẳng định lại rằng Quỹ Gaden Phodrang “có thẩm quyền duy nhất công nhận sự tái sinh của ngài” và ngài bác bỏ mọi khiếu nại từ bên ngoài về quá trình này là bất hợp pháp.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố mình có thẩm quyền hợp pháp đối với quá trình lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma, một lập trường mà Bắc Kinh cho rằng dựa trên tiền lệ lịch sử từ thời nhà Thanh.

Bọn cầm quyền Trung Quốc chụp mũ Đạt Lai Lạt Ma là người ly khai và nói rằng họ có ý định quyết định người kế nhiệm ông. Đạt Lai Lạt Ma, phản bác lại tuyên bố này, khẳng định sự tái sinh của ông sẽ được sinh ra bên ngoài Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh cố gắng chính trị hóa những gì luôn là một quá trình tâm linh.

Trác Mã Tư Nhơn Thái Khương (Dolma Tsering Teykhang, 卓玛次仁泰康) phó chủ tịch quốc hội Tây Tạng lưu vong, cho biết đường lối của Trung Quốc là “chiêu trò chính trị” nhằm phá hoại bản sắc và văn hóa Tây Tạng.

Đạt Lai Lạt Ma, người đã chạy trốn khỏi Tây Tạng sang Ấn Độ vào năm 1959 sau cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc, đã nhiều lần kêu gọi sự ổn định và minh bạch cho việc kế vị.

Ông đã từ bỏ mọi vai trò chính trị vào năm 2011, trao quyền cho một chính phủ lưu vong được bầu lên và thành lập quỹ của mình để điều phối việc tìm kiếm sự đầu thai ngoài tầm với của các chính trị gia.


Source:Newsweek