1. Người đàn ông tự nhận mình là Chúa Giêsu Kitô bị đưa đến trại tù Nga
Một giáo chủ tôn giáo tự nhận mình là Chúa Giêsu tái sinh đã bị kết án 12 năm tù tại một trại giam ở Nga.
Theo thông tấn xã TASS, Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, cho biết hôm Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, rằng vụ án do văn phòng tổng công tố Nga khởi xướng đầu năm 2020 đã kết thúc và một tòa án tại thành phố Novosibirsk của Siberia đã tuyên án Sergei Torop, một cựu cảnh sát giao thông tự xưng là “Vissarion” hay “Đấng Trao Ban Sự Sống Mới”, vì tội gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất của những người theo ông ta. Hai cộng sự của ông ta cũng nhận án tù dài. Cả ba đều phủ nhận các cáo buộc chống lại họ.
Torop thành lập Giáo hội Di chúc Cuối cùng vào năm 1991 và nhóm của ông đã là chủ đề của sự giám sát của giới truyền thông ở Nga trong nhiều năm, trong thời gian đó ông đã thu hút hàng ngàn tín hữu. Việc bắt giữ và kết án ông vào một trại tù khắc nghiệt có thể sẽ đánh dấu sự kết thúc của một giáo phái đã tồn tại hơn ba thập niên.
Torop, 64 tuổi, đã thành lập phong trào của mình sau những gì ông mô tả là sự mặc khải thiêng liêng và phong trào này ngày càng phổ biến trong thời kỳ xảy ra khoảng trống về mặt tư tưởng hậu Xô Viết vào những năm 1990.
Torop là một nhân vật thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga, và hàng ngàn người đã đến thăm ông tại các thị trấn xa xôi ở Siberia trong nhiều năm và có một nhóm cốt cán gồm khoảng 300 người sống biệt lập trên một ngọn đồi mà họ gọi là Nơi ở của Bình minh.
Ông áp đặt những quy định nghiêm ngặt đối với những người theo mình, cấm họ ăn thịt, uống rượu hoặc thuốc lá, và không khuyến khích sử dụng tiền. Những người theo cộng đồng Torop, bao gồm cả những người đến từ các vùng khác, sống ở một số thị trấn thuộc quận Kuragan và Karatuz của vùng Krasnoyarsk.
Torop và hai thủ lĩnh khác của giáo phái này, Vladimir Vedernikov và Vadim Redkin, đã bị bắt vào năm 2020 trong một cuộc đột kích bằng trực thăng có sự tham gia của cơ quan tình báo chính của Nga, FSB.
Bị buộc tội thành lập một tổ chức tôn giáo vi phạm quyền công dân của các thành viên và gây thương tích về thể xác, một vụ án hình sự đã xác định cách Torop và các cộng sự đã sử dụng “bạo lực tâm lý” đối với những người theo đạo mà họ bóc lột để lấy tiền và sức lao động từ năm 1991 đến năm 2020.
Tòa án quận Zheleznodorozhny ở Novosibirsk đã tuyên án ba người này vì tội gây ra “tổn hại về mặt tinh thần” cho 16 người, khiến sáu người gặp “vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe” và một người bị tổn hại “ở mức độ trung bình”, theo tuyên bố của văn phòng công tố khu vực.
Tuyên bố cho biết thêm, còn có vụ trộm hơn 5 triệu rúp (63.000 đô la) từ ngân sách của vùng Krasnoyarsk.
Văn phòng công tố Nga cho biết trong một tuyên bố: “Từ năm 1991 đến năm 2020... Torop đã tìm cách khuất phục người khác dưới quyền lực của mình, bằng cách sử dụng bạo lực tâm lý đối với họ, gây tổn hại đến sức khỏe của họ.”
Tòa án đã trao 45 triệu rúp hay 572.000 đô la tiền bồi thường cho các nạn nhân và công tố viên nhà nước. Những người đàn ông phủ nhận các cáo buộc và Torop và Vedernikov bị kết án 12 năm tù trong khi Redkin bị kết án 11 năm tù, mặc dù không rõ liệu họ có kháng cáo hay không.
Source:Newsweek
2. Sergei Anatolyevitch Torop là ai?
Hôm Thứ Năm, 03 Tháng Bẩy, Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, tuyên bố vụ án xét xử một người tự xưng là Chúa Giêsu tái sinh mà văn phòng ông khởi xướng đầu năm 2020 đã kết thúc và một tòa án tại thành phố Novosibirsk của Siberia đã tuyên án Sergei Torop, 12 năm tù.
Người đàn ông bị kết án tên là Sergei Anatolyevitch Torop. Ông ta sinh ngày 14 Tháng Giêng năm 1961. Ông ta được những người theo gọi là “Vissarion” hay “Đấng Trao Ban Sự Sống Mới”. Ông ta nguyên là một cảnh sát giao thông, trước khi trở thành một giáo viên tâm linh trong Chính Thống Giáo Nga; và cuối cùng là người sáng lập tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận Giáo hội Di chúc Cuối cùng, được nhiều tổ chức mô tả là một giáo phái.
Theo các tín đồ của Sergei Torop và một số lời giải thích của chính ông, vào ngày 18 tháng 8 năm 1990, ở tuổi 29, Sergey đã có một “sự thức tỉnh tâm linh”. Ông đã có bài giảng công khai đầu tiên sau khi thức tỉnh tại Minusinsk vào ngày 18 tháng 8 năm 1991.
Ông đã thành lập Giáo hội Di chúc Cuối cùng, còn được gọi là Cộng đồng Đức tin Thống nhất, với nhà thờ chính tọa lạc tại thị trấn Taiga ở lưu vực Minusinsk phía đông Abakan, Siberia. Kể từ đó, phong trào tôn giáo dựa trên Chính Thống Giáo vào buổi đầu này đã thu hút hơn 10.000 tín hữu trên khắp thế giới với khoảng 4.000 người sống tại một số thị trấn ở Siberia gần giáo chủ Vissarion.
Với tư cách là “Đấng Trao Ban Sự Sống Mới”, ông dần dần du nhập thêm các lý thuyết phi Kitô Giáo. Ông dạy về thuyết luân hồi của Phật Giáo, chế độ ăn chay, mối quan hệ hài hòa giữa con người và dự đoán ngày tận thế.
Từ năm 1991, dựa trên các cuộc họp, bài giảng và bài phát biểu của Vissarion, một văn bản nhiều tập có tên là Di chúc cuối cùng đã được biên soạn, phác thảo một loạt các nguyên tắc tập trung vào việc tự hoàn thiện, tự quản và cộng đồng.
Vào tháng 9 năm 2020, Vissarion và hai học trò thân thiết của ông đã bị bắt và đưa đi khỏi nhà bằng trực thăng trong một chiến dịch của Ủy ban điều tra Nga. Chính quyền Nga cáo buộc họ “thành lập một nhóm tôn giáo có hoạt động có thể gây ra bạo lực cho công dân” — vụ bắt giữ Vissarion có thể là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn chống lại các nhóm tôn giáo không theo Chính Thống Giáo của chính phủ Nga. Từ năm 2021, Vissarion và hai người khác bị quản thúc tại Novosibirsk và cộng đồng này vẫn tiếp tục hoạt động.
Những người theo ông tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, bao gồm kiêng thịt, không hút thuốc, không uống rượu, không chửi thề và hạn chế sử dụng tiền. Mục đích của nhóm là thống nhất tất cả các tôn giáo trên Trái đất. Ông đã thay thế Lễ Giáng Sinh bằng sinh nhật của mình vào ngày 14 tháng Giêng; và tuyên bố sở hữu khả năng chữa lành bệnh ung thư và AIDS chỉ bằng một cái chạm tay.
Tiberkul, thị trấn ở Taiga, được thành lập vào năm 1994 trên một lãnh thổ rộng 2,5 kilômét vuông, và được gọi là Nơi ở của Bình minh. Các nhà thờ và nhà ở được xây dựng bằng gỗ thủ công, và hầu hết năng lượng được sử dụng có nguồn gốc từ cối xay gió hoặc tấm pin mặt trời.
Từ năm 1992, nhà viết tiểu sử Vadim Redkin đã xuất bản một tập sách hàng năm kể chi tiết về các hoạt động của Vissarion. Vissarion đã thu hút những người theo dõi từ nền văn hóa bí truyền của Đức và bảy tập sách về những lời giảng của Vadim đã được dịch sang tiếng Đức.
Năm 1993, Vissarion xuất hiện nhiều lần trong bộ phim tài liệu Bells from the Deep của Werner Herzog.
Vào tháng 5 năm 2012, kênh YouTube Vice đã phát hành “Cult Leader Thinks He's Jesus”, bao gồm một báo cáo của Rocco Castoro, một phóng viên của Vice tại Petropavlovka, và cuộc phỏng vấn của anh ta với Vissarion. Đây là lần đầu tiên Vissarion trả lời phỏng vấn sau ba năm.
Năm 2018, chương trình Hyper Hardboiled Gourmet Report của Nhật Bản đã đến thăm Thành phố Mặt trời, nhưng không phỏng vấn người sáng lập. Chương trình đã phỏng vấn nhiều người theo đạo, bao gồm cả trẻ em và một người đồng sáng lập.
Vào ngày 22 tháng 9 năm 2020, chính quyền Nga đã bắt giữ Vissarion với cáo buộc điều hành một tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, có thể gây tổn hại về thể chất cho người khác và tống tiền. Ông đã bị FSB và cảnh sát Nga bắt giữ và đưa đến tòa án quận trung tâm Novosibirsk, cùng với hai trợ lý, Vadim Redkin và Vladimir Vedernikov.
Torop đã từ bỏ người vợ đầu tiên và kết hôn với một cô gái 19 tuổi, người đã chung sống với ông từ khi cô còn là một cô bé 7 tuổi. Ông có sáu người con từ hai cuộc hôn nhân.
Theo phán quyết của tòa án Sergei Torop bị kết án 12 năm tù vì đã xuyên tạc tôn giáo, gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất của những người theo ông ta.
Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập người Nga cho rằng kết luận của toà án có thể dùng để kết án chính Vladimir Putin và nhiều người khác quanh ông ta.
Ông nhắc lại rằng, hôm 8 Tháng Sáu, 2024, một người bạn đáng khinh bỉ mới của VLADIMIR Putin đã mệnh danh nhà độc tài một cách kỳ lạ là Đấng Thiên Sai, người được gửi đến Trái đất để cứu nhân loại khỏi Thế chiến thứ ba.
Giáo sư Sergei Karaganov, cánh tay phải mới của Putin, trong bài phát biểu do Điện Cẩm Linh soạn sẵn, đã nói với Putin: “Tôi nhớ rất rõ những năm 1998-99 khi đất nước chúng ta đang trên bờ vực… tan rã.”
“Tình hình thật thảm khốc. Và đến một lúc nào đó, Chúa toàn năng đã thương hại chúng ta và cử Đấng Thiên Sai Putin đến”.
“Bây giờ Vladimir Vladimirovich Putin, ngài có một nhiệm vụ khó khăn. Không chỉ là giành chiến thắng mà thôi nhưng còn để cứu thế giới đang trượt dốc và bị đẩy vào Thế chiến.”
Những bình luận kỳ quái của giáo sư cho thấy Điện Cẩm Linh đang đẩy mạnh tuyên truyền ảo tưởng tôn giáo để biện minh cho cuộc chiến máy xay thịt chống lại Ukraine như thế nào.
Putin đã đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn cầu sau khi xâm lược Ukraine - và đưa ra những lời đe dọa lạnh lùng tấn công các quốc gia NATO ở Âu Châu.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, Điện Cẩm Linh đã có thể thêu dệt nên hình ảnh tôn giáo xung quanh Putin để thuyết phục người Nga rằng ông ta nhận lãnh một sứ mệnh từ trời cao, đang làm việc đúng đắn và có “sự hỗ trợ của Chúa” trong việc tàn phá thế giới.
Thật là quá sức báng bổ khi xưng tụng Putin, một kẻ giết hàng triệu người, một tên hoang dâm vô độ, có vô số nhân tình, là Đấng Thiên Sai.
Giáo sư này, đồng thời là cố vấn nước ngoài cho Putin, đã khuyên nhà độc tài tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật như một lời cảnh báo đối với phương Tây.
“Ngài Putin sẽ phải tấn công một nhóm mục tiêu ở một số quốc gia để khiến những người mất trí tỉnh lại,” ông ta nói.
“Đây là một sự lựa chọn khủng khiếp về mặt đạo đức - chúng ta sử dụng vũ khí của Chúa để tàn sát những kẻ tự chuốc lấy những tổn thất nghiêm trọng”.
“Nhưng nếu điều này không được thực hiện, không chỉ nước Nga có thể bị diệt vong mà rất có thể toàn bộ nền văn minh nhân loại sẽ kết thúc.
“Chúng ta sẽ phải đưa ra lựa chọn này.”
Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.
3. Nhật ký trừ tà số 350: Người Công Giáo có nên tham gia vào trào lưu Reiki không?
Đức Ông Stephen Rossetti, Nhà Trừ Tà của giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #350: What's Wrong with Reiki?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #350: Đâu là vấn đề với Reiki”.
Tôi thường xuyên được hỏi về Reiki và các loại hình tâm linh Thời Đại Mới khác. Nhiều người Công Giáo tin rằng việc thực hành như vậy là phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu và đức tin mà Người đã mạc khải. Có phải vậy không? Một người phụ nữ gần đây đã nói với tôi rằng cô ấy không thấy có sự khác biệt nào giữa Chúa Thánh Thần và “Năng lượng sống vũ trụ” của Reiki.Vào ngày 25 tháng 3 năm 2009, các giám mục Hoa Kỳ đã ban hành một tuyên bố bác bỏ Reiki. Lý luận của các ngài có thể dễ dàng áp dụng cho nhiều nền tâm linh Thời Đại Mới. Trong Reiki và các nền tâm linh khác, các “Bậc thầy” Reiki, nhờ vào quá trình đào tạo của họ, học cách dùng Năng lượng Sống Toàn cầu để chữa lành. Điều đó có gì sai?
Giáo hội công nhận và ủng hộ việc sử dụng đúng đắn các khoa học chữa bệnh như y học, tâm lý học, v.v. Nhưng những đường lối của Thời đại mới này tuyên bố một loại năng lượng và thực hành tâm linh, và người thực hành được cho là có thể kiểm soát và triệu hồi những năng lượng “phổ quát” này.
Nhưng Chúa Thánh Thần không phải là một thực thể trừu tượng như vậy. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một thực thể trừu tượng phi nhân cách, mà là một Ngôi vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Hơn nữa, chúng ta, các Kitô hữu, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần với lòng tôn kính và khiêm nhường, cầu xin Chúa ban ơn chữa lành. Chúng ta không “truyền tải” Chúa mà khiêm nhường cầu xin Ngôi vị Thiên Chúa giúp đỡ.
Chúa ban cho chúng ta những gì tốt nhất cho chúng ta và không ban cho chúng ta những gì không tốt. Chúng ta không kiểm soát được Chúa và bất kỳ sự huấn luyện đặc biệt nào cũng không khiến chúng ta hiệu quả hơn. Trên thực tế, một trái tim khiêm nhường và ăn năn thường được lắng nghe nhất.
Các nền tâm linh Thời Đại Mới đặt con người vào trung tâm của vũ trụ. Chúng truyền tải “năng lượng”. Chúng giống như một loại phép thuật hoặc phương pháp tiếp cận của shaman giáo, coi thế giới tâm linh như phản ứng với những lời cầu khẩn và câu thần chú đặc biệt, thay vì cầu xin Thiên Chúa hằng sống thực sự giúp đỡ.
Điều đáng lo ngại đặc biệt về những đường lối như vậy là chúng có thể dễ dàng trở thành cánh cổng cho ma quỷ. Nếu bậc thầy Reiki không triệu hồi Chúa thực sự, thì ai khác trong thế giới tâm linh sẽ đáp lại? Hơn nữa, chúng ta nên cẩn thận về việc chúng ta để ai đặt tay lên chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta. Một người không ở trong trạng thái ân sủng có thể là nguồn gốc của cái ác, bất kể ý định của người đó là gì. Ví dụ, nếu bạn để một “phù thủy chữa bệnh”, một pháp sư hoặc curandero cầu nguyện cho bạn, thì rất có thể bạn sẽ được kết nối với những con quỷ bói toán. Trung tâm Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của chúng tôi ngày càng nhận được nhiều yêu cầu giúp đỡ từ những người giao du với Thời Đại Mới và tâm linh huyền bí.
Thật là một niềm an ủi khi được nghe nhiều người sau khi được trừ tà nói: “Khoảng ba mươi phút nữa, con sẽ đi xưng tội”. Đây thực sự là một ân sủng chữa lành từ Chúa. “Sau đó, con sẽ dành thời gian để tôn thờ Thánh Thể và suy ngẫm về Kinh Thánh;”
Tôi liên tục nghe những câu chuyện tuyệt vời từ những người làm như vậy. Hôm nay, chúng ta tôn vinh Mẹ Chúa Giêsu vì “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Mẹ. Đây là một sự chữa lành thật sự và đầy ân sủng khác. Và tất nhiên, ngày mai là Chúa Nhật và là một ngày đặc biệt để cử hành Thánh Thể và hiệp thông với Chúa.
Chúa Giêsu và Giáo hội của Người ban cho chúng ta nhiều thực hành tâm linh vững chắc và được Chúa ban ơn. Nhưng chúng ta không thể kiểm soát Chúa hoặc bắt Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn. Thay vào đó, chúng ta tin rằng Chúa là Cha yêu thương, thực sự yêu thương chúng ta và biết rõ nhất những gì chúng ta cần. Hãy cầu nguyện với Người và tin cậy Người.
Source:Catholic Exorcism
4. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV khích lệ các giám mục Ukraine trong cuộc họp tại Vatican
Sau cuộc họp tuần trước với những người hành hương từ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Đền Thờ Thánh Phêrô, hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã tiếp kiến các giám mục là thành viên của hội đồng Giám Mục Ukraine.
Lưu ý rằng cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh năm thánh, trong cuộc họp ngày 2 tháng 7, Đức Leo đã nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “hy vọng không làm thất vọng, vì nó được xây dựng trên tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Trong bối cảnh cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine, Đức Thánh Cha thừa nhận rằng “không dễ để nói về hy vọng với anh chị em”.
“Thật không dễ để tìm được lời an ủi cho những gia đình đã mất đi người thân trong cuộc chiến vô nghĩa này,” ông nói.
Phát biểu trước các giám mục Ukraine, ngài lưu ý rằng các ngài “tiếp xúc hàng ngày với những người bị thương trong tâm hồn và trong xác thịt”. Đức Giáo Hoàng cho biết, bất chấp những vết thương này, ngài đã nhận được “nhiều chứng tá về đức tin và hy vọng từ những người nam và nữ trong dân tộc của các bạn”.
Đối với Đức Giáo Hoàng, đây là dấu hiệu của quyền năng Chúa, “thể hiện giữa đống đổ nát của sự hủy diệt”.
“Tôi biết rằng anh chị em có nhiều nhu cầu cần đáp ứng, cả trong phạm vi giáo hội và nhân đạo. Anh chị em được kêu gọi phục vụ Chúa Kitô trong mọi người bị thương và đau khổ, những người hướng đến cộng đồng của anh chị em để xin sự giúp đỡ cụ thể”, ngài lưu ý.
Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng Lêô đã bày tỏ sự gần gũi của mình với các giám mục trong khu vực và toàn thể tín hữu của Giáo hội và khuyến khích họ luôn “hiệp nhất trong cùng một đức tin và cùng một hy vọng”.
“Sự hiệp thông của chúng ta là một mầu nhiệm lớn lao: Đó cũng là sự hiệp thông thực sự với tất cả anh chị em của chúng ta, những người đã bị lấy đi khỏi trái đất này nhưng được Thiên Chúa chấp nhận. Trong Người, mọi sự sống và tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn”, ngài nhấn mạnh.
Cuối cùng, ngài nhấn mạnh rằng “chúng ta luôn được an ủi bởi niềm xác tín rằng Đức Mẹ Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, giúp đỡ chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Con, Đấng là bình an của chúng ta”. Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến, Đức Giáo Hoàng đã mời những người có mặt hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Ukraine.
Source:Catholic News Agency