Robert Lazu Kmita, trên tạp chí mạng The Catholic Thing, ngày 20 tháng 6 năm 2025, cho hay: Trong một bài viết dành riêng cho việc đọc tiểu thuyết văn học, Cha dòng Tên đáng chú ý James V. Schall, một trong những người sáng lập The Catholic Thing, đã nhắc lại ý kiến của Rudolf Allers (1883–1963), người đã tuyên bố rằng việc đọc văn chương luôn luôn đáng giá. Cha Schall cho chúng ta biết rằng lời khẳng định này thậm chí bao gồm cả văn chương tệ. Lý do là vì "chúng ta hầu như luôn tìm thấy ở đó những cảnh thực tại nhân bản mà nếu không thì chúng ta sẽ không nhận ra".
Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã - và vẫn - là một độc giả say mê tiểu thuyết. Ngay cả những hoạt động lý thuyết của tôi cũng luôn bị xếp sau văn chương. Điều này là do người cố vấn của tôi, một giáo sư người Pháp tên là Marian Prada, đã dạy tôi rằng các nhà văn và nhà thơ thường có tầm nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người và về thế giới, hơn hầu hết chúng ta. Điều đó có vẻ như là một tuyên bố đơn giản, một tuyên bố mà bạn chắc chắn đã nghe (hoặc đọc) dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng khi được nói ra đúng lúc, bởi đúng người, nó sẽ mang một giá trị có thể thay đổi cuộc đời bạn. Tuyên bố của Allers cũng chỉ ra cùng một hướng.
Trong lời khẳng định ngắn gọn của mình, Cha Schall chủ yếu đề cập đến chiều sâu của những trải nghiệm sống của chúng ta, những nội dung thường được các nhà thơ và nhà văn làm nổi bật nhất. Ngoài những tinh túy được chắt lọc này về nhân tính, các tác phẩm hư cấu còn đưa ra những mô tả sống động có thể giải thích các khái niệm chính của thần học Kitô giáo (tức Công Giáo) tốt hơn bất cứ diễn ngôn lý trí-suy đoán nào. "Điều thánh thiêng", "điều phàm tục", "sự hy sinh" hoặc "biểu tượng" đều là những khái niệm như vậy. Theo cách gợi nhớ đến kiến thức trực quan mà các nhà huyền nhiệm của mọi thời đại cố gắng khơi dậy, các ẩn dụ do một cuốn tiểu thuyết cung cấp có thể tiết lộ giá trị nhận thức của các thuật ngữ như vậy mà không khiến bạn lạc lối trong mê cung của kiến thức diễn ngôn.
Ví dụ, khi đọc lại The Mysterious Island (1875), một tiểu thuyết của Jules Verne (1828–1905), tôi bất ngờ có được hình ảnh tiết lộ về khái niệm “biểu tượng” (đồng nghĩa với khái niệm “dấu hiệu” của Thánh Augustinô). Theo cách này, như tôi sẽ giải thích bên dưới, tôi đã có thể dạy cho hai cậu con trai nhỏ hơn của chúng tôi (12 và 16 tuổi) cả bài học giáo lý và bài học về thẩm mỹ văn chương.
Có lẽ không cần phải giải thích nhiều về lý do tại sao các biểu tượng thánh thiêng lại có tầm quan trọng cốt yếu trong thần học Kitô giáo (tức Công Giáo). Để làm bằng chứng, chỉ cần trích dẫn định nghĩa về Phụng vụ Thánh do nhà phụng vụ Bênêđíctô nổi tiếng Dom Prosper Guéranger (1805–1875) đề xuất:
Phụng vụ, xét về tổng thể, là tập hợp các biểu tượng, thánh ca và hành động mà Giáo hội dùng để thể hiện và biểu lộ tôn giáo của mình đối với Thiên Chúa.
Vì vậy, trước hết, Phụng vụ là “một tập hợp các biểu tượng”.

Tôi vội vàng nói thêm và nhấn mạnh rằng mọi thứ đều mang tính biểu tượng trong bối cảnh của Truyền thống Công Giáo: kiến trúc của các nhà thờ, các vật dụng phụng vụ, bàn thờ thánh, lễ phục phụng vụ, các cử chỉ phụng vụ - tóm lại là mọi thứ. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những nhà phụng vụ được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI yêu thích, Romano Guardini (1885–1968), đã viết một chuyên khảo ngắn tuyệt đẹp có tựa đề Sacred Signs.
Nói một cách đơn giản, biểu tượng tạo ra mối liên kết giữa một vật thể được thánh hiến, đóng vai trò là vật tượng trưng, và thực thể hoặc bản thể từ thế giới vô hình, được tượng trưng. Ví dụ, bàn thờ thánh có mối quan hệ tượng trưng mầu nhiệm với con người siêu việt của Chúa Giêsu Kitô, “viên đá góc chính”.
Ánh nến mà cha mẹ đỡ đầu và cha mẹ nhận được từ linh mục trong nghi lễ Rửa tội tượng trưng cho ánh sáng không bao giờ tắt của ân sủng thánh thiện, mặc dù vô hình với mắt thường của chúng ta, nhưng lại bao phủ tâm hồn của đứa trẻ được rửa tội. Từ những thí dụ đơn sơ này, người ta có thể dễ dàng suy ra giá trị của một biểu tượng thánh thiêng: nó thiết lập một mối liên hệ sâu sắc, mầu nhiệm nhưng không kém phần thực tế giữa một vật thánh thiêng từ thế giới của chúng ta và một thực thể từ thế giới thieyng liêng vô hình.
Với tầm quan trọng của khái niệm này, tôi luôn nỗ lực trình bày nó một cách thuyết phục nhất có thể cho cả con cái tôi và những tín hữu trưởng thành mà tôi đã dẫn dắt các bài giảng giáo lý trong hơn mười hai năm. Trong một trong những cuộc thảo luận gần đây của tôi với hai cậu con trai nhỏ hơn, ký ức về một cuốn tiểu thuyết của Jules Verne đã cho tôi một hình ảnh mới để làm rõ tầm quan trọng đặc biệt của các biểu tượng thánh thiêng.
The Mysterious Island, một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Verne, bắt đầu bằng một cảnh dữ dội trong đó năm tù nhân miền Bắc trong Nội chiến Hoa Kỳ đã trốn thoát bằng một quả bóng bay hydro. Bị hư hại trong cơn bão khủng khiếp, khinh khí cầu nhanh chóng mất độ cao. Giống như các phi hành đoàn của những con tàu cũ, những người đàn ông trong khinh khí cầu bắt đầu ném ra bất cứ thứ gì có thể làm nặng con tàu bay của họ. Cuối cùng, họ thậm chí còn ném cả chiếc thuyền gondola, cố gắng bám vào những sợi dây đã kết nối nó với khinh khí cầu.
Hình ảnh năm anh hùng, lơ lửng trên đại dương và bám vào những sợi dây của khinh khí cầu, vẫn ám ảnh tôi. Tôi tin rằng hàng triệu độc giả trong thế kỷ qua đã đọc câu chuyện của Jules Verne với hơi thở dồn dập. Và trong buổi giáo lý ngắn ngủi của mình, tôi ngay lập tức nhận ra hình ảnh này sống động và biểu cảm đến thế nào.
Hiểu đúng thì các biểu tượng thánh thiêng thực chất là những sợi dây thừng giữ chúng ta không kết nối với một quả bóng bay, mà với thực tại vĩnh cửu của Vương quốc Thiên đàng – thành Giêrusalem trên trời từ Khải huyền của Thánh Gioan – nơi chúng ta hành trình qua thế giới sa ngã. Cũng giống như một con tàu không thể đến đích nếu không có những cánh buồm buộc vào cột buồm bằng hàng trăm sợi dây thừng, những nhà thám hiểm trên không của Verne cũng không thể đến được hòn đảo cứu rỗi nếu không có sự trợ giúp của những sợi dây thừng mà họ bám vào.
Tương tự như vậy, chúng ta không thể đến đích nếu không có các biểu tượng thiết lập nhiều kết nối mạnh mẽ của tư tưởng – có thể tiếp cận thông qua thiền định được hướng dẫn bởi đức tin siêu nhiên – với thế giới vô hình được nói đến trong Kinh Tin Kính.
Tuy nhiên, không giống như các “dấu hiệu” trong thế giới loài người – chẳng hạn như biển báo giao thông – các biểu tượng thánh thiêng có ý nghĩa vĩnh cửu, ý nghĩa mà chúng ta không tạo ra, mà do chính Chúa thiết lập.